Tạo “kỷ nguyên vươn mình”, Tô Lâm sắm dây thừng trói dân tộc?

Chế độ công an trị là một chế độ tạo ra sự hà khắc, tạo nên không khí ngột ngạt trong xã hội, khi sự hoảng loạn, lo lắng, sợ hãi bao trùm. Với những chính sách mới, ông Tô Lâm đang tạo ra một xã hội Việt Nam như thế.

Chính sách tinh giản, nghe có vẻ hợp lòng dân, nhưng kỳ thực, khó thực hiện. Bởi nếu tinh giản thật sự, thì sẽ cần phải đào thải một lượng lớn nhân sự, kể cả nhân sự cấp cao. Đơn cử như nước Nhật, chỉ có 1 Phó Thủ tướng, vậy, nếu Chính phủ Việt Nam thực sự tinh giản, thì hãy giảm bớt 4 phó thủ tướng, chỉ giữ lại 1 người.

Các bộ ban ngành cũng nên giảm bớt cấp phó, mỗi cơ quan chỉ cần 1 cấp phó là đủ. Bộ Công an đã có đến 6 thứ trưởng, đáng lẽ nên giảm bớt 5, nhưng ngược lại, mới đây, ông Lương Tam Quang lại tăng thêm Thứ trưởng thứ 7.

Nếu tinh giản bằng cách sáp nhập các cơ quan, nhưng vẫn cố gắng bố trí công việc cho tất cả các cấp phó và công chức, theo cách không để ai bị “bỏ lại phía sau”, như lời bà Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, thì sự tinh giản ấy không có ý nghĩa gì. Bộ máy vẫn cồng kềnh như cũ.

Như vậy, khả năng cao là bộ máy không tinh giản được, nhưng thị trường chạy chức thì chắc chắn sẽ sôi động hơn. Việc sáp nhập, thay đổi các chức danh, vị trí, sẽ khiến cho cuộc chiến cung đình trở nên khốc liệt hơn. Đấy là mặt trái của chính sách.

Tô Lâm còn luật hóa hình thức trấn lột dân của lực lượng cảnh sát, như: Tăng mức phạt, bẫy đèn đỏ, cho công an hưởng 85% tiền phạt, khuyến khích dân săn lùng dân để kiếm tiền thưởng… Như vậy, loạt chính sách mà ông Tô Lâm vừa tung ra, chỉ để trói người dân vào vòng xoáy trừng phạt, và cũng gây thiệt hại cho nền kinh tế, khi giao thông bị tắc nghẽn, tê liệt.

Đất nước sẽ không thể vươn mình, khi mà sự tự do chưa được tôn trọng. Không chỉ trói dân bằng trừng phạt, nền giáo dục định hướng cũng đang trói buộc người dân. Giáo dục không được tự do, khoa học kỹ thuật không có sáng tạo, phát minh sáng chế không bằng ai, nhưng tình trạng học giả bằng giả thì lại tràn lan. Đơn cử như vụ trường Đại học Luật Hà Nội “bán bằng” cho ông Vương Tấn Việt, hay vụ trường Đại học Đông Đô bán bằng Tiếng Anh giả cho bao nhiêu “người có uy tín”, tại sao không xử lý rốt ráo?

Với thực trạng này, dân tộc này làm sao có thể khai phóng, có thể bứt phá? Nếu chế độ không chịu tự phẫu thuật khối ung nhọt lớn như trên, thì dân tộc này sẽ còn bị trói dài dài.

Ngoài ra, chính sách lý lịch đưa con cháu quan chức lên nắm quyền, mà không cần năng lực, khiến cho thành phần lãnh đạo đất nước ngày một thoái hóa. Tầng lớp hậu duệ của Đảng ỷ lại vào bậc cha chú để thăng tiến, chứ không cần nỗ lực. Dù họ có làm sai, gây thất thoát nghìn tỷ, nhưng cũng chỉ bị kỷ luật, cho thôi chức. Dù có đi tù thì cũng như đi nghỉ dưỡng, gia đình họ vẫn giàu có, tài sản tiêu xài nhiều đời không hết.

Chính sách cha truyền con nối khiến cho hiện tượng “lạm phát ghế” xảy ra, bởi hầu như các gia đình đều có thế hệ sau đông hơn thế hệ trước. Cũng vì quan chức ngày càng đông hơn, nên họ đánh nhau càng quyết liệt hơn, để tranh chức tranh quyền.

Ngoài vô số dây thừng đã có từ trước như trên, nay ông Tô Lâm lại sắm thêm dây thừng mới. Lực lượng công an vừa đủ, sẽ giữ gìn trật tự xã hội, nhưng khi công an dư thừa quá nhiều, sẽ tạo áp lực kinh khủng lên xã hội. Quyền cho công an vừa đủ, thì họ sẽ tử tế với dân, nhưng khi quyền cho họ quá lớn, họ sẽ trở thành hung thần của nhân dân. Đấy chính là những dây thừng được thắt thành thòng lọng, mà Tô Lâm đang tròng vào cổ dân tộc này, rồi bảo “dân tộc hãy vươn mình”.

 

Thái Hà – Thoibao.de